Hóc dị vật là một trong những tai nạn thường nhật phổ biến nhất hiện nay. Nếu người bị hóc dị vật không được sơ cứu kịp thời thì có nguy cơ tử vong rất cao. Hãy cùng tìm hiểu cách sơ cứu người bị hóc dị vật tại nhà ngay sau đây nhé!
Hóc dị vật là thuật ngữ để mô tả một vật lạ đột ngột rơi vào đường thở hoặc đường ăn uống, là một trong những tai nạn thường gặp ở mọi độ tuổi, nhiều nhất ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi và là mối nguy hiểm đáng sợ. Nếu không được xử trí nhanh chóng, hóc dị vật có thể dẫn đến tím tái và ngưng thở chỉ sau vài phút.
Hóc dị vật có thể xảy ra ở đường thở hoặc ống tiêu hóa, triệu chứng có thể khác nhau nhưng thật may, cách sơ cứu ban đầu gần như là giống nhau, vì thế đừng chần chờ khi bạn thấy ai đó có dấu hiệu như là đang hóc dị vật.
Ở người lớn, nguyên nhân hóc dị vật thường do vô ý hít hoặc nuốt phải, hoặc do ăn uống không đúng cách, một miếng thức ăn to thường là thủ phạm, còn với trẻ em thường do sặc sữa, cháo, cơm… hoặc hít vào đường thở các vật nhỏ như hạt dưa, hạt đậu phộng, mãng cầu, đồng tiền, kẹp giấy,...
Nếu dị vật rơi vào đường hô hấp thì bệnh nhân sẽ có dấu hiệu nghẹt thở do bị chặn luồng thông khí, ngăn dòng oxy đến não, bệnh nhân sẽ dễ dẫn đến tím tái, đôi khi ngất và có thể tử vong, về lâu dài biến chứng có thể là xẹp phổi, viêm phổi, áp xe phổi…
Nếu dị vật rơi vào đường tiêu hóa, đôi khi bệnh nhân sẽ không có dấu hiệu gì ngay sau đó nhưng một thời gian sau, có thể các biến chứng sẽ xảy ra như tắc ruột, thủng ruột…
Hóc dị vật là tai nạn thường xảy đến với trẻ nhỏ. (Ảnh: Internet)
Tìm hiểu ngay Các dấu hiệu ngưng thở khi ngủ ai cũng nên biết.
Người bị hóc dị vật lập tức có biểu hiện dễ nhận biết. Người thân cần tìm hiểu các biểu hiện này để lập tức tiến hành sơ cứu đúng cách và kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho nạn nhân. Dấu hiệu phổ biến cho hóc dị vật là bệnh nhân đang khỏe mạnh ngay trước đó đột nhiên đưa tay lên nắm chặt vào cổ họng. Nếu người đó không có khả năng đưa ra tín hiệu, hoặc bạn không chứng kiến họ từ đầu, hãy tìm những dấu hiệu gợi ý hóc dị vật sau:
- Đột ngột không có khả năng nói chuyện.
- Xuất hiện hội chứng xâm nhập: ho sặc sụa, tím tái, khó thở, thở khò khè.
- Tiếng kêu khó chịu (tiếng thở rít) khi cố gắng thở.
- Nôn, chảy nước dãi
- Than đau rát cổ họng, khóc, nuốt khó.
- Da, môi và móng bắt đầu chuyển sang màu xanh hoặc sẫm
- Da vùng đầu mặt cổ bị đỏ ửng, sau đó chuyển sang màu nhợt nhạt hoặc hơi xanh.
- Mất ý thức sau đó.
Nhận biết dấu hiệu người bị hóc dị vật để có phản ứng sơ cứu đúng cách và kịp thời. (Ảnh: Internet)
Khi một ai đó bị hóc dị vật, hãy thật bình tĩnh và giúp họ ngay lập tức bằng các hành động sau. Nếu bệnh nhân có thể ho mạnh, nên khuyến khích tiếp tục ho. Nếu người đó bị nghẹn và không thể nói, khóc, các chuyên gia trên thế giới thống nhất khuyến nghị cách tiếp cận "năm và năm", tức 05 lần vỗ lưng và 05 lần ép bụng để sơ cấp cứu. Cách thức tiến hành cụ thể như sau:
- 05 lần vỗ lưng: Đứng sang một bên và phía sau lưng người đang nghẹn. Đối với một đứa trẻ nhỏ, bạn có thể quỳ xuống phía sau. Đặt một cánh tay ngang ngực của người đó để hỗ trợ. Gập người để phần thân trên song song với mặt đất. Vỗ lưng 05 lần liên tiếp giữa hai bả vai của người đó bằng mặt mu lòng bàn tay của bạn. Nếu trẻ quá nhỏ, bạn có thể đặt trẻ nằm sấp trên hai đùi khép lại của bạn.
- 05 lần ép bụng (động tác Heimlich): Đứng ngay sau lưng bệnh nhân. Đặt một chân hơi trước chân kia để giữ thăng bằng. Vòng tay ôm eo bệnh nhân và nhón người về phía trước một chút. Nếu là trẻ em nhỏ, có thể quỳ xuống phía sau trẻ. Một tay nắm lại thành nắm tay và đặt vào vị trí hơi trên rốn của người đó. Tay kia nắm lấy nắm tay. Ấn mạnh vào bụng với một lực đẩy nhanh, hướng lên như thể cố gắng bồng bệnh nhân lên. Thay phiên giữa 5 lần vỗ lưng và 5 lần ép bụng cho đến khi dị vật được đánh bật ra ngoài.
Gợi ý: Những lời khuyên bổ ích cho người bị phổi tắc nghẽn mãn tính